QUAN HỆ VIỆT NAM – RU-MA-NI
Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Ru-ma-ni vào ngày 03/02/1950.
I. QUAN HỆ CHÍNH TRỊ:
Trước năm 1989, quan hệ Việt Nam - Ru-ma-ni là quan hệ giữa hai nước XHCN. Bạn đã viện trợ cho ta 66 triệu rúp, xoá nợ 25,5 triệu rúp, đào tạo cho ta gần 3.000 cán bộ, cho vay 200 triệu rúp vốn dài và trung hạn, nhưng có thái độ tiêu cực về vấn đề Campuchia và chiến tranh biên giới Việt - Trung tháng 2/1979. Sau khi Ru-ma-ni thay đổi chế độ chính trị (12/1989), hai nước tiếp tục quan hệ hữu nghị truyền thống trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi.
Đoàn ra:
Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo (4/1991); Phó Thủ tướng Trần Đức Lương (8/1994); Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Văn Tửu (9/1995); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (12/1998 - nhân dịp chủ trì Hội nghị Bộ trưởng các nước Pháp ngữ tại Bu-ca-rét); Chủ tịch nước Trần Đức Lương (16-17/10/2003); Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (9/2006 - nhân dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ 11 tại Bu-ca-rét, có tiếp xúc bên lề với Tổng thống Bơ-xê-xcu); Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh (1/2007); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (6/2008); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm (6/2009).
Đoàn vào:
Thủ tướng Ni-cô-lai Vơ-cơ-rôi-u (Nicolae Vacaroiu - tháng 7/1995), Tổng thống Ê-min Côn-xtan-ti-ne-xcu (Emil Constantinescu) và 3 Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng các Bộ: Ngoại giao, Tài chính, Công thương (nhân dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ VII tháng 11/1997); Tổng thống I-on I-li-ê-xcu (Ion Iliescu - tháng 2/2002); Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Cô-rô-đi O-ti-lo (Korodi Attila – 4/2011 và 11/2011).
Các cơ chế tham vấn chính trị:
Hai nước đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao năm 2009 nhân chuyến thăm Ru-ma-ni của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, theo đó hai Bộ Ngoại giao sẽ tiến hành tham khảo chính trị thường niên ở cấp Quốc vụ khanh/Tổng vụ trưởng. Tháng 2/2010, hai bên đã tham khảo chính trị cấp Tổng vụ trưởng tại Hà Nội. Gặp song phương bên lề các Hội nghị quốc tế: Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã gặp Quốc vụ khanh Ngoại giao Ru-ma-ni bên lề Hội nghị cấp cao Pháp ngữ 14 tại CHDC Công-gô (12-14/10/2012). Tình hình phối hợp hai bên tại các diễn đàn khu vực và quốc tế: Hai bên đã ủng hộ nhau ứng cử ủy viên không thường trực HĐBA LHQ (Ru-ma-ni nhiệm kỳ 2004-2005, Việt Nam nhiệm kỳ 2008-2009). Bạn ủng hộ ta vào ECOSOC nhiệm kỳ 1998-2000, Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 và ủng hộ ta đăng cai tổ chức HNCC Pháp ngữ 15. Ta ủng hộ Bạn vào Hội đồng Nhân quyền (5/2006, 5/2011), ECOSOC nhiệm kỳ 2007-2008, Hội đồng điều hành ITU nhiệm kỳ 2011-2014. Ngoài ra, trong khuôn khổ ASEM, hai bên cùng đồng bảo trợ sáng kiến của Hung-ga-ri về vai trò nguồn nước trong chiến lược phát triển khu vực bền vững.
II. QUAN HỆ HỢP TÁC KINH TẾ:
1. Thương mại:
Từ sau 1990, ta và Bạn đã ký nhiều văn kiện tạo khung pháp lý cho sự hợp tác trong giai đoạn mới. Ta đã hoàn tất trả nợ Bạn ngày 11/03/2002. Nhìn chung, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước những năm gần đây tăng trưởng ổn định. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của ta là: cà phê, hải sản, hồ tiêu, dệt may, giày da, linh kiện máy tính. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của ta là: hóa chất, phân bón, sắt thép xây dựng, hạt nhựa, thiết bị khoan dầu khí, sản phẩm gỗ... Từ năm 2010, Ru-ma-ni đã được xếp vào nhóm các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của ta (khoảng 12.000 tấn/năm). Đáng chú ý là Ru-ma-ni từng ủng hộ EU áp thuế chống phá giá đối với giày mũ da của ta vì Bạn cũng xuất khẩu mặt hàng này sang EU.
Kim ngạch thương mại hai chiều những năm gần đây như sau:
(triệu USD) |
Năm | Ta nhập | Ta xuất | Tổng kim ngạch |
2005 | 10,30 | 15,40 | 25,70 |
2006 | 7,30 | 50,50 | 57,80 |
2007 | 9,00 | 32,30 | 41,30 |
2008 | 13,00 | 66,00 | 79,00 |
2009 | 16,00 | 70,00 | 86,00 |
2010 | 32,11 | 77,67 | 109,78 |
2011 | 29,03 | 74,44 | 103,46 |
Nguồn: Tổng cục Hải quan
2. Cơ chế hợp tác song phương:
Năm 2009, hai bên đã ký Hiệp định về Hợp tác Kinh tế nhân chuyến thăm chính thức Ru-ma-ni của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm. Trên cơ sở Hiệp định này, hai bên đã họp khoá họp 14 của Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác Kinh tế, Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam - Ru-ma-ni tại Bu-ca-rét vào tháng 6/2010, đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Công thương Lê Danh Vĩnh - Chủ tịch Phân ban Việt Nam dẫn đầu.
2. Đầu tư: - Tình hình đầu tư của Ru-ma-ni vào Việt Nam: Tính đến 31/12/2011, Ru-ma-ni có 2 dự án FDI tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 1,4 triệu USD. - Đầu tư của Việt Nam sang Ru-ma-ni: Chưa có dự án nào.
III. HỢP TÁC PHÁT TRIỂN: Chưa có.
IV. VĂN HÓA - DU LỊCH, GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO:
- Hợp tác văn hóa - du lịch: Năm 1997, Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin Trần Hoàn đã thăm chính thức Ru-ma-ni. Năm 2005, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức thành công "Tuần văn hóa Việt Nam" tại thủ đô Bu-ca-rét. Từ năm 2009, các công ty du lịch lớn của Ru-ma-ni như Marshal Tourism, Happy Tour... đã khởi động việc đưa khách Ru-ma-ni sang du lịch Việt Nam.
- Hợp tác giáo dục - đào tạo: Từ năm 1992, Bạn đã khởi động lại việc cấp học bổng cho ta. Năm 1995, hai nước ký Hiệp định về Hợp tác trong các lĩnh vực văn hoá, khoa học, giáo dục và thể thao, theo đó hàng năm, Bạn cấp cho ta 10 học bổng đại học và trên đại học. Hai bên dự kiến sẽ ký Chương trình hợp tác giáo dục giai đoạn 2012-2014 vào đầu tháng 12/2012 (Bạn nhất trí với dự thảo của ta và đang hoàn tất thủ tục nội bộ trong tháng 11/2012). Từ năm 2006, Chính phủ Ru-ma-ni đã thiết lập chương trình cấp học bổng đào tạo tiến sỹ cho các nước Pháp ngữ trong đó có Việt Nam. Tháng 10/2006, Petrovietnam và công ty Petroconsult của Ru-ma-ni đã ký hợp đồng đào tạo nhân lực và vận hành thử nhà máy lọc dầu Dung Quất. Theo đó, 60 cán bộ kỹ thuật của nhà máy đã được tu nghiệp 1 năm tại Ru-ma-ni và 56 chuyên gia Ru-ma-ni từng làm việc tại nhà máy trong giai đoạn vận hành thử. Ngoài ra trong giai đoạn 2003-2009, Ru-ma-ni đã đào tạo cho Petrovietnam 35 kỹ sư dầu khí. Hiện nay khoảng 50 lưu học sinh ta đang học tập tại Ru-ma-ni.
V. CÁC LĨNH VỰC KHÁC:
1. An ninh - Quốc phòng:
Bạn đang xin chấp thuận cho Tùy viên Quân sự thường trú tại Bắc Kinh kiêm nhiệm Việt Nam. Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Huy Hiệu đã thăm Ru-ma-ni tháng 10/2010. Tổng Tham mưu trưởng quân đội Ru-ma-ni đã thăm Việt Nam tháng 4/2010, tiếp đó là Quốc vụ khanh Quốc phòng Ru-ma-ni từ 11-15/4/2011, nhân dịp này, hai bên đã ký Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực Quốc phòng. Ngoài ra, ta đã mua của Bạn một số máy bay huấn luyện Iak-52 và phụ tùng kèm theo.
2. Lao động - Lãnh sự:
Công dân Việt Nam mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ được miễn thị thực nhập cảnh vào Ru-ma-ni và ngược lại. Hai bên đã ký Hiệp định Lãnh sự năm 1995, Bạn đã trao cho ta dự thảo Hiệp định nhận trở lại công dân. - Trong lĩnh vực lao động: Từ năm 2008, các doanh nghiệp Việt Nam như Vinaconex-Mec... đã đưa gần 500 lao động sang làm việc có thời hạn tại Ru-ma-ni, tuy nhiên đến nay các lao động trên đã về nước. Hiện có khoảng 700 công dân Ru-ma-ni đang sinh sống, làm ăn tại Việt Nam. Ta đã trao dự thảo Hiệp định Hợp tác lao động cho Bạn.
3. Hợp tác địa phương:
Một số địa phương của ta và Bạn đã thiết lập quan hệ như tỉnh Lào Cai với tỉnh Hu-nê-đoa-ra (Hunedoara), thành phố Đà Nẵng với thành phố Ti-mi-soa-ra (Timisoara), thủ đô Hà Nội với thủ đô Bu-ca-rét. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có dự án hợp tác cụ thể nào.
4. Khoa học - công nghệ:
Hai bên đã ký Hiệp định hợp tác về khoa học, công nghệ và môi trường năm 1999, nhưng cho tới nay chưa có dự án hợp tác cụ thể.
VI. CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT NAM TẠI RU-MA-NI
Cộng đồng người Việt Nam tại Ru-ma-ni hiện có khoảng 500 người, chủ yếu kinh doanh hàng may mặc tại Trung tâm thương mại Dragon ở thủ đô Bu-ca-rét. Cộng đồng đã tổ chức được Hội người Việt Nam và Hội Doanh nhân Việt Nam tại Ru-ma-ni. Bà con luôn đoàn kết và hướng về Tổ quốc.
VII. ĐỊA CHỈ LIÊN HỆ CỦA ĐẠI SỨ QUÁN TA VÀ BẠN
1. Đại sứ quán Việt Nam tại Ru-ma-ni:
Nr. 35, strada C.A. Rosetti, sector 2, Bucuresti, Romania.
Tel. 0040-21-311.03.34; 311.03.44;
Fax: 0040-21-312.16.26
E-mail: vietrom2005@yahoo.com;
Website: www.vietnamembassy-romania.org
2. Đại sứ quán Ru-ma-ni tại Việt Nam
Số 5, Lê Hồng Phong, Hà Nội, Việt Nam.
Tel.: 04-38452014 ;
Fax: 04-38430922 ;
E-mail: romambhan@fpt.vn
3. Lãnh sự danh dự Ru-ma-ni tại Việt Nam
Villa 33/5A, Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận, tp Hồ Chí Minh.
Tel: 08-39910896;
Fax: 08-62928226;
E-mai: doanthiminhgiang07@yahoo.com